Do tập quán dân tộc cộng với sức thuyết phục của thực tế nên ngày càng có nhiều người thích uống thuốc Đông y (Nam và Bắc). Tuy nhiên có điều mà không ít người ngại là cách sắc thuốc thường rất phiền phức, nếu cứ đúng như các thầy thuốc xưa vẫn bắt buộc thì nhiều người không theo được.

Bạn đang xem: Cách sắc thuốc và cách uống thuốc đông y

Thực ra thì cách sắc thuốc không phải khi nào cũng phải theo đúng như cách cổ truyền là mỗi thang sắc 3 nước, mỗi nước đổ 3 chén (bát ăn cơm) (hai nước sau có thể đổ ít hơn và lấy ít hơn một tí), nếu bệnh không nguy cấp, hòa được 3 nước thuốc lại rồi chia ba, uống làm 3 lần, trước khi uống đem hâm nóng là tốt nhất.

Cách sắc thuốc đông y
Cách sắc thuốc đông y

Cách sắc thuốc đông y

Ngoài cách sắc cổ truyền nói trên còn có một số cách sắc khác nữa:

– Sắc cách cát, thường áp dụng cho thuốc trẻ em vì lượng thuốc ít, bắc lên bếp đun dễ cạn. Theo cách này, thuốc được cho vào một cái chén nhỏ, đổ nước sôi vừa ngập, đậy kín, đun cho nóng sôi cạn còn già nửa nước thì lấy ra cho trẻ uống làm nhiều lần.

– Sắc bằng phích nước, thường áp dụng cho những người phải đi làm luôn, không có thời gian sắc bằng củi, cách này tuy không chiết được hết dược chất trong thuốc nhưng dễ thực hiện, có thể đem thuốc đến công sở để uống đúng giờ theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

– Theo cách sắc này thì thuốc được bẻ vụn, giã giập hoặc xắt nhỏ cho vào phích nước từ chập tối hôm nay, đong sẵn một chai nước lạnh (loại 0,651, thường đựng rượu quốc doanh) đun sôi xong rót ngay vào phích, lắc nhẹ cho bã thuốc chìm ngập hết, cứ đậy kín để yên đến ngày hôm sau thì chia thuốc làm ba, uống hết rồi thay bã sắc tiếp thang khác.

Lưu ý: Nước lạnh nên đong sẵn cho có chừng để khi đun sôi thì rót trực tiếp vào phích, tránh tổn thất nhiệt.

– Sắc theo kiểu nấu cao, áp dụng được với các vị thuốc khô cứng, ít tinh dầu thơm. Thuốc được cho vào nồi to, đổ 7 – 8 chén nước (loại bát ăn cơm) sắc còn 2- 3 chén, chia uống làm 3 lần, trước khi uống đun sôi lại. Đây là cách sắc gộp 3 nước làm một nên chỉ cần sắc 1 lần, ưu điểm là khỏi lo thuốc trào hoặc cạn như thường gặp ở cách sắc cổ truyền. Nhưng với các bệnh cấp tính hay thuốc có nhiều chất thơm thì không nên theo.

– Hãm nước sôi hoặc sắc đặc để uống thay nước chè, thường áp dụng đối với những bệnh đơn giản mới mắc hoặc đang ở giai đoạn phục hồi, phương thuốc chỉ gồm một vài vị như có triệu chứng cao huyết áp thì uống hoa hòe; sốt xuất huyết thì uống nước cỏ mực, rau má, mất ngủ thì uống lá vông…

Nhưng dù sắc theo kiểu nào cũng phải bảo đảm cho được các yêu cầu sau:

+ Lượng nước đổ vào phải đủ nhiều để ngập hết bã thuốc. Các loại chén ăn cơm thường nhiều cỡ với dung tích khác nhau, việc ước lượng các tỉ lệ 1/2 hay 2/3… của chén lại càng khó bảo đảm chính xác. Theo quy định chuẩn thì dung tích mỗi chén phải đạt 200ml.

+ Khi sắc phải khuấy đảo để bã thuốc ngập lút xuống nước, không cho nổi lên trên. + Với các vị thuốc có độc, cần sắc kỹ để giảm bớt tính độc.

+ Với các vị thuốc có khoáng chất như mai mực (ô tặc cốt), vỏ hàu (mẫu lệ), cần sắc trước các vị thuốc mộc để ra hết chất.

+ Các vị thuốc có nhiều tinh dầu thơm như tử tô, hương nhu… thì nên cho vào sắc khi thuốc gần được và đậy kín vung để hạn chế bay hơi.

+ Các vị thuốc có lông mịn gây ho như lá hà thủ ô, lá lốt tây… thì khi sắc cần bọc vải cho lông khỏi lẫn vào nước.

+ Các vị thuốc dạng cao như a giao thì không nên sắc chung với thuốc mà nên chia ra theo từng nước thuốc, hơ trên than cho phồng rồi bỏ sẵn vào chén, thuốc được thì rót ngay vào khuấy tan mà uống để tận dụng hết chất cao.

+ Các loại thuốc quý như nhân sâm, tam thất nên sắc riêng, khi nào uống mới pha chung để đỡ hao phí do mất mát trong quá trình sắc.

Ngoài ra những vị đặc biệt như châu sa, thần sa, phác tiêu… thầy thuốc sẽ có hướng dẫn riêng cách sắc.

Dùng nồi gì để sắc thuốc?

Cho đến ngày nay, chẳng cần phải thầy thuốc dặn, nhiều bệnh nhân vẫn cố tìm hoặc mượn cho được một chiếc nồi đất về sắc thuốc, có người cẩn thận hơn còn đợi kiếm được nồi rồi mới mua thuốc về sắc. Làm được như thế thì rất tốt nhưng cũng rất… khó vì ở thời đại công nghiệp này, còn mấy ai chú ý đến cái nồi đất nữa, làm ra không phải đơn giản. Giá thành khó hạ mà vận chuyển lại càng phiền phức.

Dùng nồi gì để sắc thuốc
Dùng nồi gì để sắc thuốc

Vậy nhưng thuốc Đông vẫn tiếp tục được ưa chuộng, nhu cầu dùng thuốc ngày một cao nếu cứ đợi có nồi đất mới uống thuốc thì có khác nào… đau đẻ mà chờ sáng trăng!

Việc chọn nồi đất để sắc thuốc có mấy lý do:

– Nồi đất không phản ứng gì với thuốc làm biến chất thuốc như nồi sắt, nồi đồng và nhiều kim loại khác.

– Một số vị thuốc, theo kinh nghiệm Đông y thì có kỵ với một số kim loại như hà thủ ô kỵ sắt, huyền sâm kỵ đồng.

Theo quan niệm ngũ hành, một trong nhiều cơ sở lý luận quan trọng của Đông y thì đất thuộc hành thổ, ứng với tỳ vị, với miệng và với trung ương.

Khi trước chỉ mới có nồi đất và nồi đồng, so sánh giữa hai loại thì nồi đất thích hợp với việc sắc thuốc hơn, vì vậy các thầy thuốc buộc phải chọn nồi đất, lâu dần thành tập quán phổ biến trong nhân dân. Ngày nay ta có thể dùng các loại nồi nhôm, ấm nhôm loại tốt hay nồi sắt tráng men để sắc thuốc đều được cả.

Cũng nên nói đến vài phương tiện hiện đại bị lạm dụng để sắc thuốc, hiệu quả kém xa nồi đất và nồi nhôm – đó là nồi áp suất và ấm điện (loại dùng để đun nước). Chúng ta đã biết, tác dụng chữa bệnh của thuốc nhiều khi nằm ở các vị có mùi thơm, nhưng ở áp suất cao, nhiệt độ cao, các hoạt chất đó đều bị phân hủy, làm giảm tác dụng của thuốc. Với ấm điện thì không điều chỉnh được nhiệt độ và nước bốc hơi nhanh. Khi cạn thường gây sự cố kỹ thuật làm hỏng thuốc và hỏng cả ấm.

Dùng củi gì để sắc thuốc?

Yêu cầu kỹ thuật của việc sắc thuốc là lúc ban đầu sắc to lửa, đến khi nước bắt đầu sôi thì nhỏ lửa và cho sôi liên tục, không nên để tắt lửa. Từ yêu cầu đó, nên chọn củi khô nỏ và chắc để sắc thuốc, tốt nhất là nên dùng hỏa lò than củi hoặc loại bếp điện có số để điều chỉnh nhiệt.

Củi dùng để sắc thuốc
Củi dùng để sắc thuốc

Không nên dùng than đá và bếp điện không số để sắc thuốc vì lửa mạnh quá thuốc dễ tràn, dễ cạn. Nếu không có điều kiện dùng than củi thì có thể dùng bếp dầu hỏa nhưng cần chú ý coi chừng thuốc vì nhiệt độ quá cao.

Đương nhiên, ở những vùng củi hiếm phải dùng rơm rạ, lá cây… để sắc thuốc cũng được nhưng phải công phu hơn.

Một số địa phương lại rất kén củi sắc thuốc và cho rằng một số loại củi như dương, bạch đàn, đặc biệt là củi xoan (sầu đâu) không dùng để sắc thuốc được. Chưa thấy một tài liệu nào nói như vậy, riêng với củi xoan thì thấy hầu hết các thầy thuốc và nhân dân ở vùng Nghệ Tĩnh đều không dùng, theo họ thì sắc thuốc bằng củi xoan dễ bị mất mùi thơm, làm giảm tác dụng của thuốc. Điều này đang chờ kiểm nghiệm.

Nên uống thuốc vào lúc nào?

Nói chung các loại thuốc đều nên uống khi còn ấm và uống vào lúc không đói, không no, kèm theo chúng ta có các cách uống thuốc đông y từng yêu cầu cụ thể:

a) Theo vị trí của bệnh:

– Bệnh ở đầu và ngực thì uống sau mỗi bữa ăn từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút.

– Bệnh ở dạ dày (bao tử) nên uống lúc đói và xa bữa ăn, nếu đau có cơn thì uống trước cơn đau 15 – 20 phút.

– Bệnh từ thắt lưng trở xuống thì uống trước bữa ăn 1 giờ đến 1 giờ 30 phút.

b) Theo tính chất của bệnh:

– Thuốc trị các bệnh thần kinh, mất ngủ, tinh thần căng thẳng: cần uống trước khi ngủ.

– Thuốc trị sốt rét thì uống đón cơn từ 15 – 20 phút hoặc uống theo chu kỳ cơn. Thuốc trừ tràng tích (giun sán) nên nhịn đói và uống thay điểm tâm.

– Bệnh cấp cứu thì được thuốc là uống ngay, có khi còn mài vào nước hoặc giã vắt lấy nước cho uống sống.

c) Theo tính chất của thuốc:

– Thuốc gây cồn cào trong ruột thì uống liền với bữa ăn, uống xong ăn cơm liền. Thuốc có mã tiền gây co giật thì uống khi bụng còn no và uống xong cần nghỉ ngơi.

– Thuốc ngâm rượu thì uống vào lúc gần ăn cơm và gần đi ngủ. Không nên uống trong thời gian có bệnh dạ dày, hô hấp, huyết áp cao và các chứng xuất huyết.

– Thuốc phát hãn (làm cho ra mồ hôi) nên uống thật nóng rồi ăn cháo nóng có nhiều gia vị cay thơm hoặc đắp chăn nằm.

– Thuốc mát lạnh uống khi còn nóng, thuốc ấm nóng uống khi gần nguội.

– Thuốc dùng dưới dạng trà thì không cần theo quy luật, cứ khát là uống.

Chú ý:

– Riêng với bệnh về kinh nguyệt thì uống trước kỳ kinh 5 ngày và vẫn theo đúng các nguyên tắc trên.

– Với người đi làm ở công sở xa nhà, nên đem thuốc theo sẵn để uống đúng giờ thích hợp.

Trên đây chúng tôi vừa chia sẻ bài viết của Lương Y Vương Thừa Ân: Cách sắc thuốc và cách uống thuốc đông y hiệu quả theo từng bệnh hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Nguồn: https://dongyloian.com/

[related_cat]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *