Thuốc Nam là gì?, những lợi ích và ý nghĩa của nó ra sao. Ngày nay lớp trẻ chỉ biết về Thuốc Tây thì rõ ràng là lúc đầu do người phương Tây đem đến, sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại mà sau này gọi là “tân dược”.

Vậy Còn thuốc Nam, thuốc Bắc là gì?
Thuốc Bắc là loại thuốc có bắt nguồn từ phương Bắc (Trung Quốc). Phần lớn chưa chế biến hoặc chỉ mới qua sơ chế, một số ít vị đã chế biến như a giao, thần khúc… là theo công thức kinh nghiệm cổ truyền với một quy trình đơn giản.
Thuốc Bắc thường hiếm và mắc (đắt), còn thuốc Nam thì dễ kiếm và rẻ tiền hơn nên nhiều người quan niệm thuốc Nam chỉ là những cây cỏ quanh vườn, do đó còn gọi là “thuốc vườn”.
Thực tế thì thuốc Nam bao gồm cả các vị có nguồn gốc động vật, thực vật và cả khoáng vật, hóa chất nữa, nhưng phổ biến nhất vẫn là thực vật từ rừng đến biển. Phải thừa nhận rằng thuốc Nam cũng có rất nhiều vị quý, hiếm và đắt tiền như: mật gấu, hổ cốt, long nhãn…
Trong các bài thuốc Đông y nổi tiếng đời xưa của Trung Quốc truyền sang Việt Nam, ta vẫn thấy có các vị mà ngày nay ai cũng cho là “thuốc Nam” như sinh khương (còn gọi là sanh cương hay gừng sống), tử tô (rau tía tô), ngạnh mễ (gạo cũ), hương phụ (cỏ cú biển)… Xem vậy thì thuốc Nam không phải chỉ riêng Việt Nam mới có.
Ngày xưa, các thầy thuốc phương Bắc đến phương Nam hành nghề rất chú ý tới nguồn dược liệu tại chỗ. Những vị thuốc có tên trùng với cách gọi của Đông y mà cùng tính năng, tác dụng thì họ không đem từ xứ họ tới nữa (có khi còn chở từ Nam về Bắc) riêng với các thầy thuốc Việt Nam, phần đông đều có Nho học, thì từ lâu đã có ý thức dùng thuốc Nam chữa cho người Nam (Nam dược trị Nam nhân) nên họ đã cố gắng tìm tòi thử nghiệm, phát hiện ra nhiều vị thuốc có thể thay thế được thuốc Bắc trong một số trường hợp và trong một chừng mực nào đó.
Những vị thuốc đó được “phong” cho những cái tên thuốc Bắc nhưng thêm chữ “nam” vào trước. Ví dụ: Nam hoàng bá (vỏ cây núc nác) Nam bạch linh (củ một, củ bình vội).
Tóm lại nói đơn giản thuốc bắc khác với thuốc Nam: thuốc Nam là những vị thuốc kinh nghiệm lâu đời, có sẵn trên lãnh thổ Việt Nam, được sử dụng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cổ truyền. Phần lớn các vị thuốc đó đều dễ kiếm, rẻ tiền và có tác dụng tốt trong việc phòng và chữa bệnh. Còn thuốc Bắc được đem đến từ người phương bắc (Trung Quốc), nhưng được gọi chung là thuốc Đông Y (của người phương đông trái đất).
Những ích lợi khi dùng thuốc Nam.
Như đã nói, thuốc Nam không chỉ dễ kiếm, rẻ tiền mà còn rất dễ nuôi trồng tạo giống để chủ động nguồn dược liệu: Từ hạt muối, hạt gạo, ngọn rau má, lá mùng tơi… đến thịt cóc, gan heo… đều là vị thuốc. Hai Do rẻ tiền và quá quen thuộc với mọi người nên thuốc Nam ít bị làm giả, cách sử dụng thuốc Nam cũng đơn giản, dễ thực hiện, không phải chích, thử phản ứng như thuốc Tây.
Là những vị thuốc kinh nghiệm, đã được thực tế hàng nghìn năm kiểm định nên nhiều vị, nhiều bài thuốc Nam đã tỏ ra “hiệu nghiệm như thần”, ít gây hại cho cơ thể con người. Với những trường hợp cần cấp cứu, sơ cứu, bệnh dịch… mà ở xa bệnh viện, trạm xá thì vai trò của thuốc Nam lại càng quan trọng.
Tên các vị thuốc có ý nghĩa gì? Phân loại theo các dạng thuốc Nam
Các vị thuốc Nam, nếu cứ gọi nôm na theo tên dân gian, thì sẽ rất nhiều phiền phức cho người sử dụng vì một cây thuốc có thể có nhiều tên gọi tùy theo từng địa phương, lại có khi cùng một tên gọi mà chỉ hai ba cây thuốc khác nhau, dễ gây lầm lẫn.
Để thống nhất tên gọi, các thầy thuốc đã chọn âm Hán Việt để chỉ các vị thuốc khi kê đơn. Việc đặt tên cho các vị thuốc thường căn cứ vào những yếu tố như sau:
– Phân loại theo màu sắc: Bạch đồng nữ (cây bần trắng, vậy trắng, lẹo trắng, nấm trắng, mò trắng) để phân biệt với xích đồng nam là loại cây cùng tên nhưng bông hoa màu đỏ.
Bạch phàn là loại phèn màu trắng, lục phàn là loại phèn màu xanh.
– Phân loại theo hình dạng: Kê quan hoa là bông hoa đỏ giống như mào gà trống.
Liên tiền thảo chỉ cây rau má giống như những đồng tiền xâu liền với nhau.
– Phân loại Theo tính chất, công dụng: Ích mẫu là cây thuốc có ích cho các bà mẹ mới sinh con.
Tiếp cốt mộc chỉ cây thanh táo hay trồng làm hàng rào, tác dụng bó gãy xương.
– Phân loại Theo khí vị: Toan táo nhân là nhân của hạt táo chua ta thường ăn, chứ không phải táo Tàu. Khổ qua là trái mướp đắng.
– Phân loại Theo bộ phận dùng: Quế chi là cành cây quế, tô diệp là lá tía tô, miết giáp là mai con ba ba (cua là mai có đinh), hổ hình cốt là xương đầu gối con hổ.
– Phân loại Theo phương thức chế biến: Hắc chi tử là hạt quả dành dành sao cho cháy đen.
Can khương là củ gừng phơi khô.
Thục địa là củ sinh địa đem nấu kỹ.
– Phân loại Theo xuất xứ: Hà thủ ô có thuyết giải thích đó là tên người tìm ra vị thuốc, có thuyết giải thích là ông họ Hà đầu bạc rồi, uống vị thuốc đó mà đầu đen lại.
– Phân loại Theo đặc điểm của cây: Kê huyết đằng là loại dây leo mà khi cắt ngang thân thì chảy ra nước đỏ như tiết gà. Hương mao chỉ bụi sả vì giống như một đám lông thú nhưng có mùi thơm.
Ngoài ra một số vị thuốc, hoặc do người nước ngoài đem đến trồng, hoặc có sẵn ở nước ta còn họ đến đặt tên cho. Những tên này chủ yếu chỉ mang ý nghĩa quy ước chung.
Hiểu được cặn kẽ nguồn gốc ý nghĩa tên các vị thuốc cũng là điều rất cần thiết cho người sử dụng.
Những quy đổi tương đối về cân lượng.

Trong nhiều bài thuốc dân gian, ta thấy có những từ chỉ liều lượng không chính xác, thiếu cụ thể. Để giúp bạn có được những khái niệm đầy đủ hơn, xin nêu ra một số quy định (tương đối) về cân lượng sau đây:
– Một nắm tay người lớn tương đương (-) với 20g lá khô hoặc 50g lá tươi.
– Một nhúm (~) 5g tươi hoặc 3g khô.
– Một muỗng cà phê (~) 5ml hoặc 5g thuốc.
Một muỗng canh (thìa lớn) (~) 15ml hoặc 15g thuốc.
Ly nhỏ (-) 20 – 25ml thuốc.
Chén (bát ăn cơm, bát nhỏ) (-) 200 – 250ml thuốc.
Với những vị thuốc mạnh và có độc thì cân lượng phai tuyệt đối chính xác, không được áng chừng, tùy tiện.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ ngắn gọn cho các bạn biết về thuốc Nam là gì, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.